29/02/2024
1. Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT quan trọng như thế nào?
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT là rất quan trọng để giúp các em hiểu rõ đâu là ngành nghề phù hợp với mình. Từ đó, các em sẽ tự tin hơn với những quyết định của bản thân về ngành nghề sẽ theo đuổi trong tương lai.
Hơn nữa, việc chọn đúng ngành nghề, đúng trường để theo học sẽ giúp các em phát huy khả năng và thế mạnh của bản thân một cách tốt nhất. Đồng thời, tương lai các em sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc.
Bên cạnh đó, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT còn giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm được những lao động phù hợp cả về chuyên môn lẫn văn hoá và định hướng của công ty. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh được tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Không chỉ vậy, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT cũng giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa tỷ lệ người lao động nghỉ việc do không hợp với văn hoá công ty hay công việc không phù hợp.
Đối với xã hội, việc tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THPT sẽ giúp duy trì sự cân bằng của thị trường lao động và giảm thiểu tình trạng thiếu hụt hay khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là các ngành “hot” hiện nay.
2. Các bước để định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT
Để định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT một cách đúng đắn, quý phụ huynh và thầy cô giáo có thể tham khảo các bước được liệt kê sau đây.
2.1. Gia đình, thầy cô định hướng để học sinh hiểu rõ bản thân
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT là rất quan trọng. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần giúp cho học sinh hiểu rõ được chính mình, biết được bản thân yêu thích gì, đam mê gì, năng lực như thế nào, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân là gì, ngành nghề muốn làm là gì… và bản thân trong tương lai sẽ trở thành ai.
Ngoài ra, việc hiểu rõ chính mình sẽ giúp học sinh có niềm tin, xác định đúng mục tiêu, xây dựng lộ trình học tập khoa học và phù hợp với bản thân. Đồng thời, gia đình và nhà trường cần đồng hành, động viên và luôn sẵn sàng đưa ra lời khuyên để giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc hiểu rõ bản thân.
2.2. Xác định rõ sở thích và thế mạnh của bản thân
Bên cạnh việc xác định thế mạnh của bản thân, học sinh cũng cần xác định được sở thích và đam mê của mình. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của các em.
Bất cứ ai cũng sẽ có niềm đam mê hay sở thích nào đó trong mỗi giai đoạn phát triển, có một số bạn sẽ yêu thích tìm tòi, nghiên cứu khoa học nhưng cũng có bạn sẽ yêu thích nghệ thuật, ca hát, nhảy múa hay khám phá lịch sử… Chính những đam mê, sở thích này sẽ giúp các em trong việc lựa chọn ngành nghề sau này.
Vì thế, hiện nay nhiều trường đã thành lập các câu lạc bộ chuyên sâu về một số lĩnh vực cho học sinh, đồng thời cũng đưa vấn đề này vào các chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT nhằm giúp các em phát triển đam mê và sở thích của chính mình.
2.3. Xác định điều kiện của bản thân có thích hợp với ngành nghề hay không
Học sinh cần xác định điều kiện hiện tại của bản thân như ngoại hình, điều kiện kinh tế gia đình, cân nặng, chiều cao, sức khỏe… có đáp được những yêu cầu của ngành đang theo đuổi hay không. Điều này là rất quan trọng, vì nếu bạn xác định được đam mê, thế mạnh của mình mà lại không đáp ứng được những yếu tố kể trên, bạn sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn để có thể theo đuổi lĩnh vực hay ngành nghề đó.
Chẳng hạn như, bạn có ước mơ là sẽ trở thành Bác sĩ, bạn có nền tảng kiến thức tốt, đạo đức tốt, lý lịch gia đình rõ ràng… Tuy nhiên, bạn lại sợ máu, hay bị thiếu máu và không thể làm việc với cường độ công việc quá lớn, lúc này bạn cần tìm kiếm một định hướng khác cho bản thân.
2.4. Tìm hiểu và nghiên cứu rõ về ngành nghề định chọn
Học sinh cần phải tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ về ngành, nghề bản thân dự định chọn, đồng thời phân tích nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai của ngành đó. Các em nên xác định rõ những vấn đề như thị trường lao động, tỉ lệ cạnh tranh, trong tương lai xu hướng việc làm sẽ như thế nào, mức thu nhập trung bình nhận được là bao nhiêu…
Học sinh có thể tự tìm tòi, nghiên cứu về ngành nghề qua các diễn đàn, hội nhóm, internet… hay qua những anh chị đi trước trong CLB, gia đình… ngay sau khi tham gia chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT.
2.5. Thiết kế hồ sơ ấn tượng, đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề/ trường Đại học ứng tuyển
Sau khi lựa chọn được ngành nghề thích hợp, học sinh THPT cần phải xây dựng kế hoạch học tập một cách khoa học nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Đồng thời, học sinh cũng cần tham gia các hoạt động trại hè, tình nguyện, các cuộc thi tài năng/học tập… Điều này sẽ giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu hơn để làm đẹp hồ sơ học tập của mình, đáp ứng được yêu cầu của trường/ngành nghề mà bản thân lựa chọn.
2.6. Trải nghiệm một số công việc có liên quan với ngành nghề đã chọn
Học sinh sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về công việc tương lai khi tự trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động có liên quan với ngành nghề đã chọn. Từ đó, các em sẽ hình dung chi tiết hơn về công việc. Đồng thời, học sinh sẽ rút ra được những bài học, kinh nghiệm cho bản thân và nhìn nhận đúng đắn hơn về sự phù hợp với ngành, nghề.
2.7. Xây dựng kế hoạch B
Để dự phòng cho các tình huống không mong muốn, học sinh cần phải xây dựng cho mình một phương án khác. Việc lên kế hoạch dự phòng sẽ giúp cho các em cũng như gia đình và nhà trường an tâm hơn. Đồng thời, các em cũng sẽ không bị lúng túng khi bất ngờ xảy ra một tình huống nào đó gây ảnh hưởng đến dự định ban đầu.
Ví dụ như dự định ban đầu là học ngành Sư phạm tiếng Anh tại Đại học Sài Gòn, bạn có thể lên kế hoạch dự phòng trong trường hợp không đủ điểm để học ngành này là chọn ngành Ngôn ngữ Anh với mức điểm thấp hơn.
Bài viết trên đây đã tổng hợp những điểm quan trọng liên quan đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT mà quý phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh có thể tham khảo. Hy vọng qua những thông tin cập nhật trong bài, các em học sinh sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cũng như đam mê, mong muốn của bản thân. Từ đó, các em sẽ chủ động xây dựng kế hoạch cho mình để đạt được những mục tiêu đã đề ra và chọn đúng ngành nghề theo đuổi.
(Nguồn: https://ischool.vn/dinh-huong-nghe-nghiep-cho-hoc-sinh-thpt/)