02/11/2024
Bạn không thể hoàn toàn tách rời khỏi bầu khí quyển mà mình đang sống. Bạn đang ở trong tổng thể những mối quan hệ: vợ chồng, mẹ con, cha con, thầy trò, cộng sự, bạn bè… Mọi mối quan hệ đều quan trọng và có ý nghĩa. Sự gắn kết trong các mối quan hệ càng sâu sắc thì cuộc sống bạn càng thêm ý nghĩa, công việc càng thuận lợi. Dù mối quan hệ của bạn được bắt đầu từ những nền tảng vững chắc thì bạn cũng cần nuôi dưỡng chúng. Mọi mối quan hệ dù bền chặt đến đâu cũng sẽ vỡ tan nếu thiếu đi nỗ lực vun đắp của đôi bên.
Nguồn: Internet
1. Cân bằng nhu cầu của đối phương và nhu cầu cá nhân.
Mọi mối quan hệ đều khởi phát từ một nhu cầu trực tiếp hay gián tiếp nào đó, chẳng hạn nhu cầu về sinh lý (thoả mãn về cái ăn, cái mặc...); nhu cầu an toàn (thoả mãn sự an toàn về thể chất, tinh thần, tài chính); nhu cầu được tôn trọng (củng cố địa vị xã hội)... Chính vì vậy, bạn phải hiểu rõ giá trị của mình trong từng mối quan hệ. Giá trị và lợi ích mà bạn mang lại cho đối phương chính là hạt giống đầu tiên cho bất kỳ mối quan hệ giao tiếp nào. Trong Tháp nhu cầu, Tiến sĩ tâm lý Abraham Maslow đã khẳng định nhu cầu là nguyên nhân cho mọi động cơ của con người.
Tháp nhu cầu Maslow (Nguồn: Internet)
Nhu cầu của con người có thể thay đổi tuỳ vào hoàn cảnh. Chính vì vậy, để mối quan hệ được duy trì, chúng ta cần nắm bắt được nhu cầu của đối phương hoặc luôn tâm niệm rằng khi ta mang lợi ích đến cho người khác cũng chính là mang lợi ích đến cho mình. Vì vậy, hầu hết các mối quan hệ nảy sinh vấn đề là do nhu cầu thiếu sự rõ ràng hoặc không được đáp ứng thoả đáng. Không ai tồn tại trong thế giới này mà lại không có nhu cầu, người này coi trọng nhu cầu tình cảm, người khác lại coi trọng việc khẳng định giá trị bản thân… Bạn cần quan sát để phát hiện ra nhu cầu thực sự của đối phương. Hãy quan sát kỹ từng hành vi của họ, bởi đằng sau đó, chắc chắn sẽ chứa đựng những thông tin bạn cần. Đừng vội khẳng định thông qua những gì họ biểu hiện, hãy nhìn sâu, tìm hiểu và phân tích thấu đáo để nhận ra những nhu cầu đang ẩn chứa bên trong họ.
Để đáp ứng được nhu cầu cho đối phương, trước tiên bạn phải hiểu được giá trị của bản thân mình. Tìm ra những điểm mạnh của bản thân để phát triển chúng là việc làm vô cùng quan trọng. Điểm mạnh có thể chỉ là một sở thích hay đặc điểm riêng của bạn, đừng coi thường chúng. Đằng sau mỗi đặc điểm hay sở thích cá nhân của bạn sẽ luôn ẩn chứa những giá trị lớn lao. Hãy để đối phương thấy rằng bạn là một người có giá trị, ít nhất là trong quan hệ với họ.
2. Sẵn sàng “cho đi”
Winston Churchill đã khẳng định “Chúng ta tồn tại nhờ những gì ta nhận nhưng chúng ta sống nhờ những gì cho đi”. Cho đi là một trong những hành động mà bạn nên làm thường xuyên trong mọi mối quan hệ. Hãy cho đi để được nhận lại. Khi bạn sẵn sàng cho đi, bạn càng dễ dạng có được những thứ mà bạn cần. Nếu bạn có được tình cảm của đối phương, cách tốt nhất và cũng lâu bền nhất là hãy thể hiện sự quan tâm họ một cách chân thành. Điều này không nhất định phải gắn với lợi ích vật chất. Bạn chỉ cần cho đi những gì bạn có, một lời động viên lúc đối phương gặp khó khăn, một cuộc ghé thăm đúng lúc, một tin nhắn sẻ chia không sáo rỗng….
Khi bạn cho đi nhiều hơn những gì mà bạn mong chờ, đối phương sẽ cảm thấy mình quan trọng đối với bạn. Thật khó để duy trì một mối quan hệ mà đôi bên đều chỉ chú ý vào mục đích mà mình cần đạt, dù những mục đích đó có cao siêu hay bình dị cũng vậy, nó đều là những mong chờ của riêng mỗi cá nhân. Cách duy nhất để mọi mối quan hệ tồn tại bền vững là bạn hãy thực hành việc “cho đi”, hãy cho đi nhiều nhất có thể. Bạn sẽ được nhận lại nhiều hơn bạn kỳ vọng từ đối phương. Điều này không khó để nhận ra trong đời sống thường nhật của chúng ta.
Nguồn: Internet
KT là một nữ giáo viên giảng dạy nhiều năm tại một trường cấp 3 nổi tiếng. Cô ấy nhận được sự yêu mến của hầu hết các đồng nghiệp quanh mình. Cô được các giáo viên trẻ gọi với một cái tên trìu mến “nữ hoàng thân thiện”, học sinh của cô gọi cô là “chị gái dễ thương”. Phụ huynh, bạn bè quý mến vì sự gần gũi và đơn giản của cô. Cô luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn với đồng nghiệp; giúp đỡ và đồng hành với phụ huynh trong việc dạy dỗ các bạn trẻ. Cô xem các học sinh như một món quà mà thượng đế đã mang tặng mình, và cũng chính vì vậy, cô luôn sẵn lòng trao ban tất cả những gì mà cô có thể. Cô ấy đối xử tử tế với hầu hết mọi người mà cô gặp. Điều cô ấy nhận được là gì? Đó chính là sự quý mến từ các cộng sự, sự tin yêu của các thế hệ học trò. Và hơn hết là sự yên bình, hạnh phúc tự tại trong tâm mỗi ngày, bởi cô đã sống trọn vẹn và ý nghĩa từng phút giây. Cô đã đi qua mọi giông bão trong đời một cách bình thản nhất. Cô tâm niệm rằng giữa bộn bề đời sống, vẫn luôn có những mối quan hệ tốt, bạn bè, cộng sự, học trò; họ luôn sẵn lòng khóc cười cùng cô. Đó là món quà đẹp đẽ mà cô đã nhận lại được từ những điều mình trao đi. Bởi tín ngưỡng lớn nhất trong đời cô có lẽ là sự cho đi một cách vô tư vô cầu.
Trong cuộc sống, khi bạn cho đi, những gì bạn nhận lại đôi khi không thể đong đếm hay dự đoán được. Món quà lớn nhất chắc chắn bạn sẽ nhận được là lòng tin, uy tín, nguồn năng lượng tích cực quanh mình. Người nhận sẽ hiểu rằng họ được thương yêu, tin tưởng; từ đó nuôi dưỡng lòng yêu thương và cho đi nhiều hơn trong chính họ. Hạt mầm mà bạn gieo sẽ nảy nở mỗi ngày, đơm hoa kết trái, để rồi một lúc nào đó, ngoài đầu nhìn lại, bạn đã thấy sau lưng mình cả một vườn hoa ngập tràn nắng hoa.
U-Heart