06/11/2024
3. Những giá trị cốt lõi – nền tảng để nuôi dưỡng mội mối quan hệ
Bạn đã từng gặp người nào mà ở họ có một sức hút kỳ lạ, và ngay lập tức ta bị chinh phục hoàn toàn bởi năng lượng, khí chất họ toát ra? Tại sao chúng ta bị thu hút mạnh mẽ như vậy? Thật ra, có rất nhiều người, để nhận được sự tin yêu, quý trọng từ người khác, họ đã phải trải qua một quá trình dài mài dũa bản thân, tu dưỡng mỗi ngày. Trong thang đo giá trị sống, giá trị nào cũng có ý nghĩa sâu sắc với mỗi cá nhân cũng như quá trình hoàn thiện nhân cách của mình. Người có nhân cách tốt, hẳn nhiên sẽ dễ dàng có được các mối quan hệ chất lượng, lâu bền. Tuy nhiên, mỗi cá nhân vốn là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai. Bạn có thể lựa chọn các giá trị sống phù hợp với cá tính của mình. Để các mối quan hệ xung quanh bạn được nuôi dưỡng tốt, bạn cần rèn dũa những giá trị cốt lõi sau để bản thân luôn có giá trị trong mắt đối phương, và tất nhiên cũng phù hợp với quan điểm sống của bạn.
(Nguồn: Internet)
Luôn thực hành yêu thương và sống tử tế
Một mối quan hệ được bắt đầu từ những giá trị mà đôi bên có thể đáp ứng cho nhau, tuy nhiên để nuôi dưỡng một mối quan hệ, chúng ta cần nhiều hơn những nhu cầu tối thiểu của mỗi người. Thật ra, vạn vật tồn tại trên thế gian đều là một chuỗi mắc xích có quan hệ mật thiết với nhau. Chúng ta thường đặt những câu hỏi: “Liệu rằng cuộc sống của của những người xung quanh ta có liên quan gì đến ta?”, “Bản thân mình có mối liên hệ gì đến họ?”. Nhìn thật sâu, không khó để khẳng định rằng việc thương yêu đồng loại, vạn vật đang tồn tại quanh mình không đơn thuần chỉ vì trách nhiệm mà bởi mỗi chúng ta là một phần không thể tách rời của thế giới. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Chúng ta, thực chất là tổng hoà của những mối quan hệ không thể tách rời với xã hội, tự nhiên. Dù bạn là kiểu người hướng nội, khép kín, sợ giao tiếp xã hội, thờ ơ hay lúng túng khi tiếp xúc người khác thì xét cho cùng bạn cũng không thể tách mình hoàn toàn khỏi thế giới đang sống.
Và trong tổng hoà các mối quan hệ đó, lòng yêu thương chính là sợi dây gắn kết, là kim chỉ nam để nuôi dưỡng và phát triển các mối quan hệ xung quanh chúng ta. Lòng yêu thương là tình cảm thiêng liêng đẹp đẽ, bao hàm trong đó là thái độ trân trọng, lòng trắc ẩn, sự quan tâm, yêu mến, bao dung và mong muốn trao những điều tốt đẹp nhất cho đối phương. Thương yêu xuất phát từ con tim, từ thành ý của con người. Đây được xem như chất keo kết dính các mối quan hệ, dù tình thân hay tình bạn, dù tình đồng nghiệp hay quan hệ xã giao thông thường, khi nhận được sự yêu thương chân thành, chắc chắn người dẫu sắt đá đến mấy cũng sẽ được cảm hoá, biết rung cảm và mong muốn gắn bó. Yêu thương giúp mọi người trong xã hội đến gần nhau hơn, gắn bó hơn, từ đó có thể sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, công việc. Khi tình yêu thương đủ lớn sẽ làm thay đổi cách nhìn của mọi người trong xã hội, hoá giải mọi thiên kiến và tị hiềm.
(Nguồn: Internet)
Thử trải nghiệm:
Hít thở sâu và bảo đảm mình đang trong trạng thái tĩnh tại, bình an nhất, hãy nghĩ về tất cả các đối tượng đã từng xuất hiện trong đời bạn: những người mà bạn rất trân quý; những người mà bạn quen biết, bạn học, đối tác; những người mà bạn đã từng sợ hãi, những người đã từng làm tổn thương bạn sâu sắc…
Hãy thật tĩnh tại, hít thở sâu, đều đặn nhiều lần và nghĩ về họ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như những nhân duyên trong đời mà bạn đã gặp, loại bỏ hoàn toàn những hành vi mà họ đã từng thực hiện với bạn. Họ sẽ xuất hiện trong đầu bạn chỉ với tư cách là những cá nhân riêng biệt, thuần khiết. Ngay lúc đó, hãy gửi đến tất cả họ một thông điệp: Cầu mong tất cả mọi người được bình an. Khi thông điệp được gửi đi, bạn một lần nữa, từ từ cảm nhận sự bình an trong chính nội tâm mình – cảm giác bình an được tăng lên và lan toả trong khắp cơ thể, tâm trí bạn.
(Nguồn: Internet)
Trải nghiệm giúp bạn cảm nhận một cách sâu sắc rằng, bạn chính là người đầu tiên được nhận lại khi trao gửi yêu thương. Bởi cho đi là còn mãi, "Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm" (Ngạn ngữ). Vậy nên, trong mọi mối quan hệ, yêu thương đủ lớn thì tị hiềm sẽ biến mất.
Khoan dung và tha thứ
Có vô vàn vấn đề nảy sinh trong một mối quan hệ, thật khó để duy trì nó nếu thiếu đi lòng bao dung. Khi bạn độ lượng, sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của đối phương; cởi mở, chấp nhận tất cả những điều khác biệt; tìm thấy vẻ đẹp trong những nét cá tính và sự đa dạng…, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Xét đến tận cùng, khi bạn yêu thương và luôn nhìn thấy những hạt giống thiện lành, tốt đẹp trong người khác, đó chính là lòng bao dung.
Khi bạn có tấm lòng khoan dung, vị tha thì mối dẫu quan hệ có gặp khó khăn, trắc trở, bạn cũng sẽ bình thản, nhẹ nhàng đối mặt và nhìn nhận mọi thứ ở góc độ tốt đẹp nhất. Hiểu lầm sẽ khó có thể cản trở được mối quan hệ mà bạn đang vun đắp, bởi bạn luôn tin tưởng và yêu mến đối phương, nhìn thấy những giá trị tốt đẹp bên trong họ, đứng ở vị trí của họ, dùng tấm lòng vị tha, độ lượng để nhìn nhận mọi sự việc một cách bao dung nhất. Bạn cũng sẽ cảm thông với mọi lỗi lầm của đối phương, giúp đối phương nhận ra những sai lầm, va vấp của bản thân và sửa chữa chúng, thay đổi bản thân ngày càng tốt hơn. Tất cả những điều đó sẽ hóa giải những mầm mống gây chia rẽ, bất hòa, căng thẳng, khiến mối quan hệ trở nên hiền hoà, lâu bền hơn.
Lòng bao dung còn có tầng bậc ý nghĩa khác, là tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt của người khác và học cách chấp nhận những điều không hoàn hảo. Bởi lẽ mỗi người tồn tại trong thế giới này là một cá thể độc lập, là "phiên bản" giới hạn duy nhất. Giống như dấu vân tay, mỗi người mang trên mình hình hài, vận mệnh, hoàn cảnh, sở thích, đam mê, khả năng, mong muốn, nhân sinh quan, thế giới quan khác nhau. Tôi là một cá thể không hoàn hảo và bạn cũng thế. Vậy tại sao chúng ta không học cách bao dung và chấp nhận những điều khác biệt của nhau. Bởi thế giới này phong phú, thú vị nhờ trăm ngàn mảng màu độc đáo riêng biệt. Chỉ cần khoan dung, ta sẽ được học thêm nhiều điều, được sống thêm nhiều cuộc đời, được thoả sức trải nghiệm và tận hưởng vạn điều đẹp đẽ. Không chỉ vậy, điều kì diệu của lòng bao dung còn được toát ra từ chính người trao ban nó. Nó nở hoa trong chính tâm hồn ta mỗi khi tha thứ cho người khác. Khoan dung, độ lượng với người khác bằng sự chân thành chính là đang làm đẹp cho tâm hồn mình.
Vẫn biết những ngọt ngào mà lòng khoan dung mang lại, song không phải dễ dàng để bao dung cho ai đó, và càng khó hơn khi rộng lượng với chính bản thân mình. Đã bao giờ bạn nhận ra mình dễ dàng tha thứ cho người khác nhưng lại hà khắc, dày vò bản thân mình đến mức cực đoan chưa? Sự dằn vặt, tự trách mình có lẽ là cực hình nhất với mỗi người. Dĩ nhiên ta vẫn cần nghiêm khắc, kỷ luật để hoàn thiện bản thân nhưng đất trời còn không hoàn hảo thì bản thân ta sao tránh khỏi những "méo mó". Hành trình thành nhân của bất kỳ ai cũng đầy gian truân, trải bao cơn bĩ cực. Ta đứng dậy sau những thất bại, ta lớn lên từ những sai lầm, ta trưởng thành sau ngàn khờ dại. Và hành trình ấy sẽ dịu dàng hơn khi ta biết khoan dung với chính mình, chấp nhận những gì đã xảy ra và sẵn sàng bước tiếp. Vậy nên, bao dung với bản thân chính là cách để tự yêu thương và tôn trọng chính mình.
Phẩm chất nào cũng cần được rèn luyện và nuôi dưỡng mỗi ngày. Bạn có thể thực hành lòng khoan dung bằng cách ghi ít nhất một điểm tốt của tất cả những người mà bạn gặp trong suốt một tuần vào một cuốn sổ tay và đọc lại sau một tuần ghi chép. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy ai cũng có rất nhiều điểm tốt, nét đáng yêu. Bài học rút ra là khi chân thành và nỗ lực tìm kiếm những điều tốt đẹp thì chúng sẽ hiện diện khắp nơi quanh bạn. Hãy thử xem, người tử tế, người hài hước, người thông minh, người chu đáo, người hiền lành, người thú vị,... đều ở ngay cạnh bên bạn.
Hiểu và tôn trọng đối phương
Việc chúng ta vô tình hay cố ý lờ đi những nhu cầu thực sự của người khác càng làm cho mối quan hệ dễ rơi vào ngõ cụt hơn. Khi bạn thật sự tôn trọng một ai đó, giao tiếp sẽ trở nên dễ dàng. Luôn tự chăm sóc, nuôi dưỡng tâm hồn để bản thân ngày càng có giá trị trong mắt đối phương, điều này là vô cùng quan trọng nhưng chưa đủ cho một mối quan hệ chất lượng, lâu dài. Muốn một mối quan hệ được bền lâu, ta cần học cách thấu hiểu và tôn trọng đối phương.
(Nguồn: Internet)
Đặt mình vào vị trí của đối phương để thấu hiểu mọi trải nghiệm của họ và chấp nhận, đánh giá cao những nỗ lực, thành quả dù nhỏ bé mà họ đạt được, đó chính là sự tôn trọng tuyệt vời nhất. Việc bạn luôn đặt địa vị của mình vào đối phương giúp ta không thiên kiến, không phán xét, không cực đoan; từ đó có thể đưa ra giải pháp thấu tình đạt lý nhất. Xét cho cùng, chỉ khi bạn đặt mình vào địa vị của người khác, bạn mới thực sự hiểu được nguyên nhân bên trong, quá trình và kết quả của sự việc. Bởi cuộc đời mỗi người là phép cộng phức tạp của vô vàn của xuất thân, hoàn cảnh, nền tảng giáo dục, trải nghiệm, mối quan hệ, nhân sinh quan, thế giới quan... Thậm chí, dù trong nội tâm bạn luôn lên tiếng rằng anh ta sai rồi, giá mà anh ta làm khác, giá mà anh ta chịu thay đổi một chút… thì bạn cũng cần đặt mình vào vị trí đối phương. Vì đó là quyết định của họ, là cuộc đời mà chỉ họ mới có thể chịu trách nhiệm.
Vậy nên, trong một mối quan hệ, nhất định phải hiểu và bảo vệ lòng tự tôn của đối phương, đứng vào vị trí của họ để nhìn nhận mọi việc. Tôn trọng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, thể hiện tình cảm, sự thừa nhận lẫn nhau. Người nhận được sự tôn trọng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi được thừa nhận, đánh giá cao từ người khác và chính vì vậy họ cũng sẽ tự tin vào chính mình hơn; phát huy những giá trị tốt đẹp mà bản thân có được.
Đừng bao giờ nghĩ rằng sự tồn tại của bất kỳ ai trong đời sống của mình là hiển nhiên. Bất kỳ mối quan hệ nào dù là tình thân, gắn bó sâu nặng thì cũng có thể tan vỡ. Vậy nên, hãy cho họ biết rằng họ quan trọng đối với bạn như thế nào. Bạn cần ghi nhận những mặt mạnh của họ. Không gì có thể phá huỷ một mối quan hệ nhanh hơn việc khiến đối phương cảm thấy mình không có giá trị. Việc bạn nhìn nhận ra những thế mạnh của đối phương, thừa nhận và đánh giá cao chúng chính là yếu tố vô cùng quan trọng có thể nuôi dưỡng mối quan hệ ngày càng bền chặt hơn. Điều quan trọng nhất của mỗi chúng ta là biết mình vẫn đang tồn tại, trong chính mình, trong mọi người, trong cuộc đời này. Bất kể ai cũng cần được sự công nhận từ người khác.
Trung thực và luôn chân thành để nuôi dưỡng lòng tin
Ramsey Clark đã nói “Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững”. Trong mọi mối quan hệ, trung thực được xem là nền tảng quan trọng nhất. Khi đối phương cảm nhận được sự trung thực của chúng ta họ mới dễ dàng tìm thấy bình an trong tâm hồn và sẵn sàng sẻ chia, hợp tác. Khi chúng ta ứng xử với một tâm thế chân thành và không vụ lợi, không toan tính thiệt hơn, bản thân ta sẽ cảm thấy bình an trước tiên. Trong một xã hội vốn phức tạp với những tốt - xấu, đúng - sai đan xen, chúng ta dễ bị bủa vây bởi rất nhiều hình thái của sự không trung thực. Trong bối cảnh đó, nhiều người có xu hướng xây dựng hình ảnh bản thân khác với con người thực của họ. Với suy nghĩ “Ai cũng vậy thôi” nhiều người đã trượt dài trong sự dối trá và lọc lừa. Đến một lúc, họ chính là người phải đối mặt với những khổ đau và bất hạnh, do mất đi sự bình an mà họ sa lầy. Chẳng có sự bình an nào tồn tại cùng sự dối trá, chẳng có một ai đặt lòng tin vào những kẻ lọc lừa.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng một mối quan hệ vững chắc được xây dựng dựa trên lòng tin, khi chúng ta không trung thực, lòng tin cũng sẽ mất đi. Trung thực, trước tiên là trung thực với chính bản thân mình như Shakespeare đã viết “Điều trung thực cao hơn tất cả, là hãy trung thực với chính mình”. Hằng số chung chúng ta có thể nhìn thấy ở những người có khả năng duy trì tốt tất cả các mối quan hệ xung quanh họ, đó chính là họ luôn là chính mình, trong suốt và sáng rõ. Những người này đa phần không dùng bất kỳ lớp vỏ bọc nào để nguỵ trang cả. Thường những người này sẽ nhận được lòng tin từ nhiều người. Đơn giản vì khi bạn đã là người trung thực, trung thực với chính bạn và những người xung quanh, lòng tin của mọi người đối với bạn tự nhiên sẽ được hình hình thành và bồi đắp mỗi ngày. Trong giao tiếp đi cùng với trung thực là sự chân thành. Không phải lúc nào, lời hay ý đẹp cũng phát huy tác dụng. Vũ khí lợi hại nhất để khiến đối phương cảm động chính là sự chân thành.
(Nguồn: Internet)
Một buổi tối muộn, tôi nhận được tin nhắn từ một đồng nghiệp, anh ấy nhờ tôi gọi điện nói chuyện với một nữ phụ huynh đang rất bức xúc vì cảm thấy mình không nhận được sự tôn trọng thoả đáng. Thú thật, tôi đã rất lo lắng khi nhận lời giúp đỡ cộng sự của mình. Tuy nhiên, tình thế khá cấp bách, tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ thêm. Sau khi nắm nhanh thông tin, tôi bấm số và lo lắng đến mức có thể cảm nhận được từng con số mà mình đang nhấn xuống bàn phím di động cứ run rẩy. Khi người phụ nữ bên kia nhấc máy, đơn giản chỉ là “vâng, alo” nhưng tôi cảm nhận trong ngần ấy âm sắc có bao nhiêu là bực bội, uất ức và lo lắng. Tôi đọc thấy sự bí bách trong tình huống mà cô ấy gặp phải. Sau vài câu trao đổi, tôi đã nhận được sự tin tưởng từ cô ấy. Cô ấy đã nói ra tất cả những suy nghĩ cũng như nỗi lo lắng của mình sau. Cuộc gọi kết thúc sau 30 phút, cô ấy và cả tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Cô ấy tin tưởng và chờ đợi tôi giải quyết vấn đề theo cách mà chúng tôi cho là hợp lý và trọn vẹn nhất.
Tôi đã làm gì? Đây là câu hỏi mà nhiều đồng nghiệp của tôi ngày hôm sau đã thắc mắc. Tôi không làm gì cả. Tôi chỉ chân thành chia sẻ, lấy làm tiếc sự việc đã xảy ra vì lý do khách quan và tôi mong cô ấy cùng tôi tìm ra giải pháp phù hợp, tối ưu nhất cho vấn đề xảy ra. Trong tình huống đó tôi không dùng mỹ từ, không phân tích đúng sai, tôi chỉ thừa nhận sự việc đau lòng và cùng tìm giải pháp. Không gì ngoài sự chân thành - đó là câu trả lời!
Trong cuộc sống và giao tiếp hằng ngày, nếu thiếu đi sự chân thành thì sớm muộn ta cũng sẽ “bị bỏ lại”. Hầu hết mọi người sẽ chọn cách “né tránh” khi gặp những điều xảo trá, thiếu thành thật. Lòng chân thành như một thước đo quan trọng nhất trong giao tiếp. Bạn có thể dùng nhiều phương tiện khác nhau để chinh phục một ai đó nhưng chắc chắn bạn không thể nhận lấy sự thành thật từ đối phương nếu bạn thiếu sự chân thành. Hãy quan sát xung quanh, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những người được nhiều người thương yêu, gắn bó, giúp đỡ, chỡ che là những người luôn luôn chân thành. Họ xem đặt sự chân thành lên hàng đầu trong thang giá trị sống của mình, họ coi trọng quyền lợi của người khác và cho đi với cái tâm trong sáng nhất. Xã hội càng phức tạp, sự chân thành càng được đề cao. Sự chân thành sẽ giúp bạn bảo vệ được chính mình trên hành trình làm người và tạo dựng uy tín. Nhờ sự thành thực, các mối quan hệ của bạn vì thế mà sẽ có thêm một chất keo kết dính lâu bền và chất lượng hơn.
(Nguồn: Internet)
U-Heart